Tham quan làng gốm cổ Bát Tràng

Cỡ chữ
Bản in
Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng. Năm dòng họ lớn gồm các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng.
 
Gốm Bát Tràng từ xưa đến nay đã lưu hành trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Sản phẩm gốm Bát Tràng như lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ...đã được các lái thương Bồ Ðào Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... mua với số lượng lớn. Nhiều nghệ nhân Nhật Bản đã bắt chước phong cách tạo hình, nét vẽ phóng khoáng, màu men đa dạng, giản dị, mộc mạc mà sâu lắng của gốm Bát Tràng.
 
Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ. Ngày nay, cái khéo cái tài của người làng gốm Bát Tràng được phát huy cao độ trong cơ chế thị trường. Nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng đã được sản xuất. Các loại gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp đã dần được sản xuất nhiều hơn đồ gốm gia dụng. Bây giờ những mặt hàng truyền thống xưa chỉ được làm khi có khách đặt để trùng tu phục chế di tích cổ. Đứng trước những mặt hàng mỹ nghệ gốm Bát Tràng, ta cảm thấy thán phục đến kinh ngạc bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời
 
Ðến Bát Tràng hôm nay, ít có ai ngờ có một thời nghề gốm sứ nơi đây đã có cơ mai một, cả làng chỉ còn vài lò gốm của HTX với sản phẩm đa dạng như bát, tích, chén, sành phẩm chất cấp thấp. Ðể có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt để phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.
 
Tháng 10/2004 chợ gốm Bát Tràng bao gồm các gian hàng của gần 1000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gốm tiêu dùng đã được khai trương trên khuôn viên rộng hơn 5.000m² của công ty Cổ phần Gốm sứ Bát Tràng. Không chỉ là nơi trưng bày và tổ chức các cuộc giao thương, người dân Bát Tràng hy vọng chợ gốm sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
Quay lại
Cập nhật: 23/06/2015
Lượt xem:5671

Tin liên quan